Ý nghĩa thiêng liêng của mâm ngũ quả ngày Tết

Mỗi khi những cánh én rộn ràng chao liệng trên bầu trời trong cái lạnh se se của tiết trời vào xuân, nhà nhà lại nô nức sắm sửa để chuẩn bị cho một cái Tết đoàn viên ấm áp. Ngoài bánh chưng xanh, câu đối đỏ, thú chơi đào, chơi quất thì bày biện mâm ngũ quả ngày Tết cũng là một trong những phong tục độc đáo của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết

Mâm ngũ quả là một mâm quả bao gồm năm loại quả, mỗi loại quả tượng trưng cho một lời cầu chúc cho năm mới, được biểu hiện bởi màu sắc, tên gọi và ý nghĩa riêng của từng loại quả. Nói về con số 5, đây là một con số mang ý nghĩa biểu tượng rất cao trong văn hóa tâm linh của người Việt. “Năm” vừa là tượng trưng cho Ngũ Hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, thể hiện sự trọn vẹn, hoàn chỉnh của vũ trụ; vừa là ước muốn về ngũ phúc lâm môn: Phúc – Quý – Thọ – Khang – Ninh.

Mâm ngũ quả đón Tết cùng mỗi gia đình

Bởi vậy, trong những ngày đầu tiên của năm mới, trên bàn thờ gia tiên của mỗi nhà nhất định không thể thiếu được sự xuất hiện của mâm ngũ quả. Trước hết là để bày tỏ tấm lòng thơm thảo, uống nước nhớ nguồn với tổ tiên, sau đó là để ước nguyện cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình mình.

Ý nghĩa của các loại quả trên mâm ngũ quả ngày Tết

Là một đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu nhiệt đới mùa gió ẩm, Việt Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vô số các loại trái cây thơm ngon, hấp dẫn. Tùy vào màu sắc, tên gọi mà mỗi loại quả này lại mang một ý nghĩa khác nhau để được lựa chọn vào mâm ngũ quả ngày Tết.

– Chuối: gia đình đoàn tụ, con cháu đủ đầy, quây quần hạnh phúc, hứng trọn may mắn và niềm vui trong năm mới.

– Phật thủ: được che chở, bảo vệ dưới bàn tay khổng lồ của Phật Tổ Như Lai.

– Bưởi: thịnh vượng, an khang, phúc lộc đầy nhà.

– Đào, lê, cam, quýt: sự nghiệp suôn sẻ, công danh phát đạt, làm ăn tấn tới.

– Lựu: con đàn cháu đống cùng nhau sum vầy.

– Táo: phú quý giàu sang, phát tài phát lộc.

– Thanh long: rồng mây quây quần, tài lộc vươn xa.

– Dưa hấu: tròn đầy viên mãn, may mắn quanh năm.

– Sung: sức khỏe sung mãn, tiền tài khấm khá.

– Đu đủ: an khang thịnh vượng.

– Xoài (người miền Nam phát âm như “xài”): tiền tiêu không hết, tiền xài không thiếu.

– Dừa (người miền Nam phát âm như “vừa”): mọi sự vừa đủ, viên mãn, trọn vẹn.

– Thơm (miền Bắc gọi là “dứa”): rồng bay phượng múa, cả năm thịnh vượng.

– Nho: của cải dư thừa, hóa hung thành cát, biến rủi thành may, có quý nhân phù trợ.

Sự khác biệt giữa mâm ngũ quả ngày Tết của ba miền

Ngủ quả là năm loại quả, nhưng do sự thay đổi của thời gian, điều kiện tự nhiên cũng như những quan niệm khác nhau trong văn hóa của từng vùng miền mà ở mỗi nơi, mâm ngũ quả lại được bày biện theo những cách rất khác nhau. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu những mâm ngũ quả đặc trưng của từng vùng miền trên nước ta.

1.Mâm ngũ quả miền Bắc

Đối với những người sinh sống tại miền Bắc, mâm ngũ quả thường được bày theo quy tắc của thuyết Ngũ hành, với mong muốn vạn vật hợp nhất, vũ trụ dung hòa, sự sống mới có thể sinh sôi nảy nở. Bởi vậy, trên mâm ngũ quả nhất định phải được phối theo 5 màu: Kim (trắng) – Mộc (xanh) – Thủy (đen) – Hỏa (đỏ) – Thổ (vàng).

Mâm ngũ quả miền Bắc

Cũng vì lí do này, 5 loại quả thường được thấy trên mâm ngũ quả miền Bắc là chuối, bưởi, hồng, đào và quýt. Bên cạnh đó, người ta cũng không còn quá câu nệ con số 5, mà mâm ngũ quả còn có thể là bát, cửu, thập quả với các loại trái cây ngày càng đa dạng. Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc thông dụng nhất chính là để nải chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác ở phía trên. Các loại quả có dáng tròn, to như bưởi, táo, phật thủ,… được bày ở chính giữa, bên cạnh là đan xen các loại quả nhỏ hơn như quýt vàng, ớt đỏ vô cùng đẹp mắt. Nhìn chung, mâm ngũ quả miền Bắc có phần chỉn chu và khá coi trọng hình thức hơn so với khu vực khác.

2.Mâm ngũ quả miền Trung

Ở khúc ruột thân thương của tổ quốc, vì điều kiện tự nhiên đầy khắc nghiệt, mùa hè gió Lào cát cháy, mùa đông sương giá căm căm, nên mâm ngũ quả ở đây có phần đơn giản hơn so với hai miền còn lại. Đa phần là có gì cúng nấy, chủ yếu là giữ trọn ý nghĩa của mâm ngũ quả và bày tỏ lòng thành kính đối với gia tiên.

Mâm ngũ quả miền Trung

Bởi vậy, mỗi gia đình miền Trung lại có cách bày mâm ngũ quả riêng, chỉ cần đảm bảo tươi ngon là được. Các loại quả thường thấy là thanh long, mãng cầu, dứa, chuối, sung, táo, cam, quýt,…

3.Mâm ngũ quả miền Nam

Người dân miền Nam nổi tiếng với sự hào sảng, hóm hỉnh, phóng khoáng và dân dã, bởi vậy mâm ngũ quả miền Nam cũng mang đặc trưng tính cách của con người nơi đây. Ý nghĩa quen thuộc và phổ biến nhất của những mâm ngũ quả miền Nam chính là “Cầu sung vừa đủ xài”, thật bình dị và dí dỏm đúng không nào?

Mâm ngũ quả miền Nam

Cũng bởi vậy, loại quả thường được bày trên mâm ngũ quả miền Nam là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, bạn cũng nên biết rằng người miền Nam kị cúng một số loại quả, vì tên gọi có cách phát âm có ý nghĩa khá tiêu cực, ví dụ như:

– Chuối: chúi nhủi, làm ăn đi xuống, thâm vốn hụt lời.

– Lê, táo (bom): lê lết, cực nhọc, vất vả mà vẫn không đạt được thành công.

– Cam, quýt: bị đổ thừa, vu oan, liên lụy, quýt làm, cam chịu.

Bí quyết giúp mâm ngũ quả ngày Tết luôn tươi ngon, đẹp mắt

Thông thường, mâm ngũ quả sẽ được các bà nội trợ chuẩn bị trong những ngày cuối cùng của năm cũ và bày biện trên ban thờ trong suốt những ngày đầu tiên của năm mới. Vì vậy, giữ cho mâm ngũ quả không bị héo, thối là một điều vô cùng quan trọng.

Bạn có thể làm theo các cách sau đây để mâm ngũ quả luôn tươi trong những ngày đầu năm nhé:

-Chọn mua những quả ương ương, chưa chín quá, loại những quả dập, méo mó để tránh khả năng bị thối. Riêng với chuối, bạn nên chọn những nải chuối còn xanh, nguyên cuộng.

– Hạn chế rửa quả trước khi bày lên ban thờ, vì làm như vậy dễ khiến quả bị mốc, thối ở vùng bị đọng nước. Nếu bạn vẫn muốn rửa quả, hãy dùng khăn vải thấm sạch nước sau khi rửa.

– Xếp các loại quả một cách cân đối, chắc chắn, quả to bồng quả nhỏ, quả nhỏ xen kẽ những quả to để tránh quả bị rụng, roi khỏi mâm ngũ quả.

Đối với những gia đình Việt, quây quần bên nhau để chuẩn bị đồ đón Tết, bày mâm ngũ quả chính là một trong những khoảnh khắc thật tuyệt vời. Hy vọng rằng bài viết trên đây có thể giúp bạn hiểu hơn về mâm ngũ quả ngày Tết và có một năm mới thật ấm áp, hạnh phúc bên gia đình.

Đánh giá post