Đặc điểm tết trung thu ở các nước Châu Á
Tết trung thu không phải là ngày lễ hội duy nhất có ở Việt Nam, ngày này còn là lễ hội truyền thống của nhiều nước châu Á khác nhau như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore. Tết trung thu ở các nước Châu Á sẽ có những đặc điểm riêng biệt, mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia.
Mục lục:
Trung thu tại Việt Nam
Đối với người Việt Nam, tết trung thu là một lễ hội cổ truyền hay còn được gọi là tết thiếu nhi. Vào ngày 15/8 âm lịch, trên mọi đường phố lồng đèn được treo rực rỡ. Cùng với đó, hoạt động rước đèn ông sao làm cho mọi ngóc ngách phố phường đều trở nên náo nhiệt.
Hoạt động tổ chức tết trung thu ở Việt Nam rất đặc biệt. Người ta múa lân, thắp hương thờ cúng tổ tiên, thưởng trăng, phá cỗ. Trẻ em được tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, các trò chơi hấp dẫn, quây quần bên mâm trái cây tươi rói.
Ngoài ra, đến với những thành phố lớn, đông đúc như Hà Nội hay Sài Gòn, quy mô tổ chức trung thu cho trẻ em còn khiến mọi người kinh ngạc. Các địa điểm tổ chức rộng lớn, nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia múa hát, giao lưu sôi động.
Trung thu tại Nhật Bản
Người Nhật không còn sử dụng đến lịch âm, tuy nhiên họ vẫn có lễ thưởng nguyệt, đó chính là lễ ngắm trăng như trung thu ở Việt Nam. Ngày lễ ngắm trăng này có tên gọi là Otsukimi, một ngày lễ rất quan trọng với người dân thuộc xứ sở hoa anh đào. So với tết trung thu ở các nước Châu Á khác, Otsukimi là ngày thưởng trăng có quy mô khá lớn.
Dịp này, người Nhật bày bánh Tsukimi Dango lên một kệ gỗ, bánh được bày trí theo hình tam giác khá đẹp. Bên cạnh đó là bình cỏ susuki, họ vừa ăn bánh, uống trà vừa ngắm ánh trăng thanh mát của mùa thu.
Trung thu tại Hàn Quốc
Ngày lễ trung thu ở Hàn Quốc có tên địa phương là Chuseok. Ngày lễ này kéo dài tới 3 ngày, khác hẳn với trung thu ở Việt Nam chỉ có một ngày. Đây là khoảng thời gian người Hàn Quốc nghỉ ngơi và sum vầy bên gia đình. Theo quan niệm của người Hàn, dù con cái trong gia đình có ở xa bố mẹ cũng phải quay về nhà để đoàn tụ cùng người đã sinh ra mình.
Trong ngày lễ trung thu, người Hàn Quốc sử dụng những thực phẩm mới thu hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo… Họ dùng những nguyên liệu đó để chế biến các món ăn ngon, biểu thị lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Vào ngày này, trẻ em mặc trang phục truyền thống giống như người lớn, các bạn nhỏ được vui chơi và phá cỗ, ăn bánh trung thu.
Bánh trung thu tại Hàn Quốc có tên gọi là Songpyeon. Bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông. Bánh trung thu của Hàn Quốc có hình trăng khuyết chứ không phải hình tròn hoặc vuông và hình tròn như bánh ở một số quốc gia khác tại Châu Á.
Tết trung thu ở Thái Lan
Tết Trung thu ở Thái Lan được người dân nước này gọi là lễ cầu trăng,. Thời gian tổ chức trung thu cũng đúng vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất.
Tết trung thu ở các nước Châu Á mang rất nhiều màu sắc khác nhau. Điều đó chứng tỏ mỗi quốc gia có một quan niệm, một tín ngưỡng, hiểu biết riêng với ngày rằm tháng tám đầy ý nghĩa này.