Rươi tươi Tứ Kỳ Hải Dương
“Bao giờ cho đến tháng Mười / Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy” –câu ca dao quen thuộc ấy từ lâu đã khắc sâu và tâm trí của mọi người dân ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Bởi đó là lời ca đầy trìu mến, thân thương về những mùa thu hoạch rươi – món đặc sản trứ danh của một vùng hạ lưu sông Thái Bình.
Mục lục:
Con rươi là con gì?
Rươi thuộc họ giun nhiều tơ, tên khoa học là Nereididae hay còn có tên khác là rồng đất theo cách gọi của dân gian Việt Nam. Cấu tạo của rươi gồm 3 bộ phận: phần đầu, phần thân và phần thùy đuôi. Hai bên thân có nhiều lông tơ nhỏ giúp rươi di chuyển dễ dàng. Đầu rươi khá nhỏ, nhưng mắt của chúng lại có vẻ quá cỡ hơn. Cơ thể rươi trưởng thành có chiều dài khoảng 60 – 70mm, chiều ngang khoảng 5 – 6mm, thân hơi dẹp chia thành hơn 50 đốt nhỏ màu hồng, xanh nhạt, nâu nhạt hoặc màu trắng.
Nơi cư trú chủ yếu của rươi là những vùng nước lợ, nơi có những đám rong, cỏ biển dồi dào thức ăn. Chúng thường ẩn mình dưới những lớp cát bùn, nhưng đôi khi cũng bơi ngược dòng trên mặt sông hoặc bò trên mặt đất. Khi đến tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, khi rươi nổi lên các mặt ruộng chằn chặn nước, người ta háo hức và sung sướng biết bao vì biết rằng mùa rươi đã đến.
Nghề nuôi bắt rươi ở vùng quê đặc sản
Ở nước ta, rươi được tìm thấy ở nhiều nơi thuộc hệ thống sông Thái Bình, sông Bắc Hưng Hải như Đông Triều (Quảng Ninh), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), các xã ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương,… Tuy nhiên, rươi ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương nổi tiếng và đắt khách hơn cả vì được hấp thụ chất dinh dưỡng dồi dào trong môi trường nước ngọt, đất ruộng.
Ở Tứ Kỳ, đặc biệt là những vùng An Lao, An Thanh, Kinh Môn – nơi có nhiều rươi tươi ngon nhất, nuôi bắt rươi là một nghề vô cùng phổ biến. Bởi thu hoạch rươi chỉ kéo dài 1 – 2 tháng cố định trong năm, không cần đầu tư nhiều vào máy móc, kỹ thuật mà hiệu quả kinh tế lại rất lớn. Thậm chí, chỉ cần mấy ngày rươi chính vụ đã đủ để nhiều gia đình kiếm được từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Vậy nên đối với người dân địa phương, nuôi bắt rươi không chỉ là một nghề nông bình thường mà còn là lộc trời cho hiếm hoi của xứ này.
Khó khăn lớn nhất trong nghề nuôi bắt rươi này có lẽ là đặc tính ưa sạch của rươi. Chỉ cần khóm ruộng có một chút thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thì rươi sẽ đều chết bốc mùi. Vậy nên ruộng nuôi rươi phải sạch sẽ, không có hóa chất, loại bỏ hết các khóm lúa sâu bệnh, đất ruộng phải tơi xốp thì mới nuôi béo được rươi.
Rộn ràng mỗi mùa rươi ở Tứ Kỳ
“Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm”, đó chính là khi mùa rươi nhộn nhịp nhất. Theo kinh nghiệm của nhiều người bắt rươi lâu năm, loài thủy sinh này tháng 9 ngoi lên vào ban đêm, tháng 10 ngoi lên vào ban ngày. Chúng thường trồi lên mặt nước để đẻ vào những ngày nước lớn, trước khi mùa mưa bắt đầu.
Những ngày này, hàng triệu con rươi rời ổ dưới lớp bùn đất để ngoi lên, nổi kín cả một vùng ruộng nước mênh mông. Chỉ chờ đến lúc ấy, các chủ đầm nhanh chóng xả nước khỏi ruộng, rươi theo dòng chảy ra miệng thoát nước và nằm gọn trong các lưới đã được giăng mắc sẵn.
Rươi khi được bắt từ ngoài ruộng phải còn tươi, được thương lái nhanh chóng đến mua, đem bỏ vào hộp xốp và từ đó đưa đi khắp các tỉnh thành. Ngoài ra, rươi có thể được nuôi sống sau khi được bắt từ ruộng bằng một cách khá thú vị. Chỉ cần đem rươi còn sống đi rửa sạch, cho vào khay nước có đặt một cục đá lạnh và để vào chỗ râm mát. Ngày nào cũng làm bằng cách này có thể giữ rươi tươi sống hàng tháng, bởi vậy trong những ngày gần Tết Nguyên Đán, rươi tươi sống vẫn là một món quà biếu cực giá trị ngay cả khi mùa rươi đã qua đi.
Cách chọn rươi Tứ Kỳ ngon nhất
Muốn có được một món rươi ngon lành, hãy chú ý chọn những con rươi béo, có màu hồng nhạt và còn sống. Cách sơ chế trước khi đem đi chế biến cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần thả rươi vào nước ấm 70 độ C, dùng đũa khuấy nhẹ để làm sạch lông của chúng. Nhớ loại bỏ hết các con rươi màu xanh, bò yếu hoặc đã ươn để tránh khả năng bị ngộ độc, chướng bụng, dị ứng,…
Thiên biến vạn hóa các món ăn từ rươi
Thoạt nhìn, loại sinh vật thân mềm này làm không ít người cảm thấy sợ sệt, bởi trông chúng không khác gì những con giun đủ màu xanh đỏ đang cuộn vào nhau lổm nhổm. Nhưng sau khi được chế biến, những món ăn từ rươi chính là một loại đặc sản được săn đón khắp nơi và có sức cuốn hút khủng khiếp. Những con rươi béo ngậy, hàm lượng dinh dưỡng cao có thể là nguyên liệu của những món ăn mới nghe thôi đã phải nuốt nước miếng, như: chả rươi, mắm rươi, rươi xào củ niễng, rươi kho, rươi cuốn lá lốt, nem rươi, rươi rang muối, canh rươi nấu măng hoặc nấu dưa chua,…
Từ cái nôi Tứ Kỳ, Hải Dương, những con rươi tươi ngon nhất được tỏa đi khắp mọi miền tổ quốc, thắp lửa hồng gian bếp của biết bao người Việt. Với những ai đã lỡ phải lòng rươi, cứ đến độ cuối thu, đầu đông hàng năm mà chưa được thưởng thức mùi thơm phức của mấy lát chả rươi, vị đậm đà của một nồi rươi kho thì cứ thấy thiếu thiếu một thứ gì khó nói. Cũng bởi sự ưa thích đặc biệt của những người sành ăn dành cho chúng, nên rươi cũng chính là một món quà biếu đặc biệt được ưa thích vào dịp Tết Nguyên đán. Càng về dịp cuối năm, món đặc sản này càng trở nên khan hiếm và được săn lùng khắp mọi nơi.