Những đặc sản miền Nam nhất định phải mua về làm quà
Dân phượt chuyên nghiệp thường truyền tai nhau rằng, khi ghé thăm một vùng đất mới, hãy chỉ để lại những dấu chân và không mang gì đi ngoài kỉ niệm. Tuy nhiên, nếu đó là một nơi trù phú về sản vật, phong phú về đặc sản thì hãy đừng rời đi nếu chưa bỏ vào balo mình một chút gì đó làm quà. Miền Nam nước ta nổi tiếng với vô vàn các loại đặc sản khác nhau, mang đậm dấu ấn của một vùng đồng bằng màu mỡ được thiên nhiên đặc biệt ưu ái. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu các loại đặc sản miền Nam mà bạn nhất định sẽ nuối tiếc nếu không đem chúng về làm quà cho gia đình và bạn bè ở quê nhà.
Mục lục:
1.Các loại trái cây độc đáo
Là vựa trái cây lớn nhất ở Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ được mệnh danh là nơi có hoa thơm trái chín quanh năm suốt tháng. Bởi vậy, không hề khó hiểu khi rất nhiều các loại trái cây thơm ngon đã trở thành đặc sản, thơm thảo như tấm lòng của người dân nơi đây.
Bưởi Năm Roi
Có nguồn gốc từ vùng quê Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long, bưởi Năm Roi đã trở thành cái tên quen thuộc đối với đa số người dân Việt Nam. Loại bưởi này được đặc biệt ưa chuộng hơn các loại bưởi thông thường bởi chúng có vỏ mỏng, ruột trắng, múi mọng nước, vị ngọt thanh, mát lành, gần như không có hạt hoặc có rất ít hạt.
Mỗi quả bưởi Năm Roi thường nặng trung bình từ 1,2kg đến 1,5kg, cây bưởi càng lâu năm thì cho ra quả càng to, săn chắc hơn. Bưởi Năm Roi đã được nhân giống và gieo trồng trên nhiều tỉnh thành khác của nước ta, nhưng chỉ có ở Vĩnh Long chúng mới thực sự giữ được trọn vẹn hương vị của mình.
Xoài cát Hòa Lộc
Loại xoài độc đáo này có xuất xứ từ vùng đất Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Chúng có màu sắc đẹp mắt, hình dáng thuôn dài mập mạp, thịt chắc, thơm, mịn, ít xơ và đặc biệt có vị ngọt dịu và mùi thơm hấp dẫn. Một quả xoài cát Hòa Lộc thường nặng từ 350g – 450g.
Dừa sáp Cầu Kè
Lại thêm một loại trái cây có tên gọi gắn liền với miền đất mà nó sinh ra: vùng đất Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Chỉ ở nơi đây người ta mới trồng được giống dừa này, nhưng mỗi cây dừa sáp chỉ cho khoảng 20% – 25% sản lượng là dừa sáp, còn lại sẽ lại các trái dừa bình thường. Dừa sáp Cầu Kè nổi tiếng vì cơm dừa xốp, mềm chứ không đặc và cứng, nước dừa sệt sệt chứ không loãng như các loại dừa thường.
Măng cụt Cái Mơn
Loại trái cây được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loại trái cây” này khi được trồng ở vùng đất Cái Mơn, tỉnh Bến Tre lại càng trở nên thơm ngon, hấp dẫn. Có nguồn gốc từ Mã Lai, loại măng cụt này có múi dày, mềm mịn, hương vị ngọt chua phối lẫn tạo nên cảm xúc rất ấn tượng cho vị giác.
2.Các loại bánh kẹo đặc sản
Nếu như khẩu vị của người miền Bắc thường đậm đà, người miền Trung là cay nồng, thì người miền Nam lại đặc biệt ưa ngọt. Đó là lí do khiến các loại bánh kẹo trở thành một trong những loại đặc sản được ưa chuộng tại vùng đất này.
Kẹo dừa Bến Tre
Ngay trên quê hương của những rặng dừa xanh mát, người dân nơi đây đã tận dụng loại trái cây này để làm nên loại kẹo dừa nức danh ba miền. Nguyên liệu chủ yếu của kẹo dừa là cơm dừa, nước cốt dừa, đường mạch nha, ngoài ra còn có thể thêm sầu riêng và lạc. Món kẹo dân dã này có vị ngọt sắc, chất kẹo dẻo quánh, ăn một lần là không sao quên được.
Bánh pía Sóc Trăng
Nếu là fan hâm mộ cuồng nhiệt của sầu riêng, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ lỡ loại bánh độc đáo này đâu. Vỏ bánh là những lớp bột mỏng màu vàng chồng lên nhau một cách khéo léo, bao lấy bên trong là nhân gồm lòng đỏ trứng muối, sầu riêng và đậu xanh xay nhuyễn.
Bánh tét lá cẩm Cần Thơ
Có cách gói khá giống với bánh chưng của miền Bắc, nhưng bánh tét lá cẩm Cần Thơ lại có hương vị đặc trưng khác biệt hoàn toàn. Vỏ bánh được làm bằng nếp rặt, thịt bánh và đậu xanh bên trong được tẩm ướp theo công thức riêng của người Cần Thơ. Cắn một miếng bánh tét này, sẽ thấy hết được độ dẻo của nếp, mùi thơm của lá cẩm và nước cốt dừa, vị ngọt của đậu xanh xay nhuyễn.
3.Các loại sinh vật trù phú
Vùng Nam Bộ nằm trọn trong một vùng sông nước mênh mông trải dài từ Ninh Thuận đến đất mũi Cà Mau, với những rừng đước, rừng tràm, rừng U Minh thâm u mà bạt ngàn cây cỏ. Bởi vậy, sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến các loại sinh vật đã trở thành dấu ấn riêng của vùng đất chim sa cá lặn này.
Tôm khô Cà Mau
Những con tôm tươi ngon nhất của vùng Rạc Gốc, tỉnh Cà Mau được đem về làm sạch, tẩm ướp và phơi khô dưới cái nắng chói chang nhất của vùng đất cực Nam tổ quốc. Tôm khô Cà Mau có màu sắc tự nhiên, hương vị thơm ngon đậm đà, khi được chế biến thành các món ăn thì ngon không cưỡng nổi.
Mật ong rừng U Minh
Ẩn sâu trong những rừng tràm của vùng U Minh Hạ, những tổ ong lớn chỉ có thể bị thu phục bởi những thợ săn ong lành nghề với kinh nghiệm lâu năm. Mật ong nơi đây được săn đón vô cùng bởi chúng đặc quánh, có màu vàng cam nhạt, vị ngọt thanh và mùi hoa tràm đặc trưng, rất tốt cho sức khỏe.
Khô nhái vũ nữ chân dài
Tên gọi độc đáo của loại đặc sản này ít nhiều đã giúp bạn hình dung được về nó rồi nhỉ? Loại đặc sản mới lạ này lần đầu được tìm thấy ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang, chúng là những con nhái có chân dài, mảnh khảnh, được người dân bắt về làm sạch, tẩm ướp rồi phơi khô. Đây sẽ là một món mồi nhắm tuyệt vời cho các bữa nhậu đó nhé.
4.Các loại gia vị
Một nền ẩm thực phong phú như miền Nam chắc chắn không thể thiếu sự xuất hiện của các loại gia vị đặc biệt rồi đúng không nào? Và nếu một người ở phương xa được tặng một trong những loại gia vị sau đây của miền Đông Nam Bộ, họ chắc chắn sẽ rất thích thú với món quà này đấy.
Muối tôm Tây Ninh
Nhắc đến các loại muối chấm hoa quả, chắc chắn sẽ phải điểm mặt gọi tên muối tôm Tây Ninh. Để làm ra loại muối này, người ta lấy tôm, cải đỏ, muối ớt, tỏi, bột tiêu, sau đó đem đi xay nhuyễn, rang qua lửa cho dậy mùi và phơi khô. Ngoài dùng để chấm trái cây, ta cũng có thể dùng muối tôm Tây Ninh để ướp thịt, nấu ăn cũng rất ngon.
Đường thốt nốt An Giang
Phải trực tiếp ghé thăm các lò nấu đường ở nơi đây, tận mắt chứng kiến những hạt đường được sản xuất thủ công từ nước thốt nốt hứng trực tiếp từ trên cây, bạn mới có thể hiểu vì sao đây lại là một loại đặc sản của An Giang. Đường thốt nốt mà đem nấu chè thì vị ngọt vừa sắc, mùi thơm vừa dậy, khác hẳn so với đường mía thông thường.
Mắm chua Vĩnh Hưng
Đây là đặc sản được sáng tạo bởi người dân vùng Vĩnh Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Cá tươi (có thể là cá sặc, cá lóc nhỏ, cá rô) được đem về làm mắm, chỉ cần lên men trong khoảng 10 – 15 ngày là bạn đã có được một hũ mắm chua có vị chua mặn rất đặc trưng.
Mắm Châu Đốc
Nếu muốn có nhiều lựa chọn hơn cho các loại mắm, hãy tìm đến vùng Châu Đốc, tỉnh An Giang, bạn sẽ được thử bạt ngàn các loại mắm cá đặc sắc nhất của vùng Đông Nam Bộ. Đây xứng đáng được gọi là một trong những thiên đường mắm ấn tượng nhất của nước ta.
Trên đây là một vài trong số rất nhiều các loại đặc sản miền Nam mà bạn nhất định phải gói ghém đem về làm quà tặng cho người thân nếu có cơ hội được đặt chân đến miền đất trù phú này. Hãy nhớ lựa chọn mua đặc sản miền Nam ở những cơ sở uy tín, chất lượng cũng như có đường vận chuyển hợp lí nhất để món quà được trọn vẹn về đến quê hương mình nhé.