Phong tục tặng quà Tết – nét đẹp trong tâm hồn người Việt
Tết đến xuân về không chỉ đơn thuần là dịp cho mọi người đoàn viên, sum vầy mà đây còn là khoảng thời gian để người ta nhìn và ngẫm lại về những giá trị văn hóa cổ truyền cao đẹp của dân tộc.
Là một quốc gia Châu Á, tồn tại và phát triển dựa trên lịch sử tinh hoa hàng nghìn năm và những nét đẹp truyền thống ngàn đời, Việt Nam cũng mang trên mình nhiều phong tục tập quán nhân văn, sâu sắc. Một trong số đó phải kể đến tục tặng quà nhân dịp mỗi độ xuân về.
Mục lục:
Phong tục tặng quà Tết mang nhiều ý nghĩa cao đẹp
Không biết tự bao giờ, phong tục tặng quà Tết đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt. Theo tục lệ của người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là ngày Tết lớn nhất trong năm. Trong dịp này, mọi người luôn cầu chúc những điều tốt đẹp cho gia đình, bạn bè và bản thân…
Xuất phát từ điều đó, người ta thường dành tặng nhau những món quà đẹp đẽ, ý nghĩa, với mong ước về một năm mưa thuận gió hòa, mọi điều tốt lành, thuận lợi và hy vọng món quà ấy sẽ mang lại nhiều niềm vui và may mắn cho người nhận. Đối tượng được tặng quà chính là cha mẹ, các bậc trưởng bối, những người có ân đức với mình như thầy cô, bè bạn,..
Phong tục tặng quà Tết thể hiện nét đẹp trong đạo lý làm người
Ở Việt Nam, tặng quà Tết không chỉ đơn thuần là quan hệ tình cảm mà còn biểu hiện như một phép ứng xử của đạo lý làm người. Người Việt Nam có tục cẩn thận trong mọi hành động, ứng xử vào ngày Tết để mang lại sự tốt lành, tránh điều xui xẻo trong cả năm.
Phong tục tặng quà thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như những quan niệm trong phép đối nhân xử thế của người Việt Nam. Người Việt Nam coi trọng các mối quan hệ xã hội nên quà tặng được xem như một sợi dây gắn kết con người lại với nhau và giúp thể hiện tâm tư, tình cảm và sự trân trọng. Chỉ qua một món quà nhỏ mà ta có thể thấy ở trong đó một kho tàng những giá trị văn hóa sâu sắc và rất nhân văn của người Việt Nam.
Nét tinh tế trong việc tặng quà Tết
Quà Tết từ thời ông bà ta chỉ đơn thuần là con gà, là cái bánh chưng, là cành đào nhỏ hay chỉ đơn thuần là gói mứt Tết cũng đủ làm người ta ấm lòng, cũng đã thấy được không khí xuân rộn ràng khắp ngõ nhỏ. Cái thời ấy, người ta chẳng cần tặng nhau những thứ cao sang, đắt đỏ, quà tặng giản dị nhưng cốt rất tinh, tấm lòng rất quý.
Có nhiều người vẫn giữ được nét tinh như thế trong văn hóa tặng quà. Họ không tìm đến những món quà hào nhoáng bên ngoài mà lưu tâm đến cảm nhận và sở thích riêng của từng người nhận do đó giá trị món quà sẽ được nhân rộng và được lưu giữ lâu dài. Việc tặng quà vì thế cũng trở thành một niềm vui lan tỏa, mang ý nghĩa cao đẹp.
Tặng quà, tặng lúc nào, tặng cho ai mới cần sự khéo léo, mới cần sự tinh tế và sâu sắc của người tặng, để khi nhận được món quà trân quý, không hiểu nhầm ý tiêu cực mà họ vui vẻ thoải mái, mỉm cười an nhiên và quý trọng hơn mối quan hệ đang có. Được như thế thì hẳn tặng quà đã trở thành một nghệ thuật.
Bên cạnh đó, cho và nhận ngày xưa là một hành vi văn hoá, vậy nên cần “có văn hoá tặng quà” và “văn hoá nhận quà”. Người Việt nam có tục cẩn thận trong mọi hành động, ứng xử vào ngày Tết để mang lại sự tốt lành, tránh bị “giông” suốt cả năm. Tất cả mọi việc làm, hành đông đều có những quy chuẩn riêng mà một người lịch sự cần biết. Đó là những ứng xử dựa trên nền tảng văn hóa, cho dù nghi thức thay đổi theo thời gian nhưng vẫn có những chuẩn riêng mà chúng ta bắt buộc phải biết tới.
Theo thời gian, mức sống ngày càng cao hơn, nhiều loại bánh trái, quà cáp hiện đại đang dần thay thế những món quà truyền thống. Tuy nhiên, dù chọn quà gì, bạn hãy luôn tặng bằng tấm chân tình, không vụ lợi.
Bởi lẽ tặng quà không chỉ để bày tỏ tình cảm, thể hiện sự quan tâm mà còn giúp mọi người gắn kết với nhau hơn. Thế nên, lựa chọn món quà để tặng rất quan trọng, mà người tặng nhất định phải để tấm lòng của mình trong đó.
Những lưu ý khi lựa chọn quà Tết
Tặng quà đòi hỏi người tặng phải chọn lựa kỹ lưỡng để gửi trao cho phù hợp, đúng người, đúng tâm lý và sở thích. Người tặng cũng cần tìm hiểu xem đối tượng có mối thâm giao như thế nào, nhu cầu, sở thích gì để tặng đúng ý. Hiểu đúng, tặng đúng thì dù quà to hay nhỏ, người tặng cũng sẽ tạo được thiện cảm đối với người nhận.
Không nên lựa chọn những món quà sau:
Theo tâm lý chung, người ta thường biếu nhau những món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất. Tất cả những gì xuất phát từ thành ý đều có thể biến thành quà tặng. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với một số vật tượng trưng cho điều không may. Nhiều người kiêng tặng đồ có màu đen hoặc màu trắng.
Đồng hồ: Đồng hồ tượng trưng cho thời gian nên khi nhận được món quà này, một số người sẽ nghĩ rằng thời gian của họ sắp hết. Theo tiếng Hoa, “đồng hồ” đọc là “zhong”, làm người ta liên tưởng đến cái chết đến sự kết thúc.
Mèo: Đừng nên tặng mèo, dù chú mèo đó xinh xắn, dễ thương đi chăng nữa. Tếng kêu của mèo dễ làm người ta liên tưởng đến chữ “nghèo”, đến điều xui xẻo.
Dao, kéo: Người ta có thể tặng nhau bộ dao, nĩa sang trọng, nhưng vào ngày Tết, món quà này lại có thể mang đến điềm xui. Người xưa quan niệm dao kéo sẽ đem đến sự xung khắc.
Con mực: Đi chơi biển về, nhiều người hay gửi tặng bạn bè, người thân vài con khô mực để làm quà. Tuy nhiên, đừng nên tặng món ăn này vào dịp Tết vì nhiều người quan niệm nhận “mực” sẽ bị đen đủi cả năm. Tương tự như vậy, nếu bạn tặng lọ mực, người ta sẽ nghĩ rằng bạn đang “trù ẻo” họ.
Khăn tay: Thông thường khăn tay dùng để lau mồ hôi và nước mắt. Cho nên không nên tặng khăn tay vào những ngày Tết để tránh những liên tưởng đến những khó khăn, vất vả.
Ngày nay, khi nền kinh tế phát triển hơn trước rất nhiều thì dù cuộc sống có hiện đại, đủ đầy đến đâu thì phong tục tặng quà Tết vẫn không hề bị mất đi, thay vào đó ta thấy những món quà Tết sẽ mang những màu sắc hiện đại hơn khi các món quà tặng Tết được gói ghém, trang trí cẩn thận, đẹp mắt trên những giỏ quà Tết sang trọng, đắt tiền. Và dù là ở thời nào đi nữa, dù các món quà Tết là những món quà dân dã, bình dân hay sang trọng, đắt tiền thì món quà tặng Tết đó vẫn mang những ý nghĩa, giá trị tinh thần rất lớn ở cả người biếu và người nhận.