Chuối Ngự Đại Hoàng – món quà quê nặng nghĩa nặng tình
“Bánh đa ,bánh cuốn …tan mau / Đại Hoàng chuối ngự nghe xao xuyến lòng”, đây là những lời thơ đã theo cùng người dân làng Đại Hoàng qua biết bao nhiêu mùa trồng chuối, gợi nhắc cho những đứa con xa quê về thức quà bình dị, thân thương mà không kém phần cao quý này.
Mục lục:
Câu chuyện về chuối Ngự làng Đại Hoàng
Cái tên chuối Ngự ra đời bởi lẽ khi xưa đây là loại chuối từng được đưa vào cung để dâng tiến cho Vua, là món ăn tráng miệng sau khi ngự thiện (Vua dùng bữa).
Tương truyền, loại chuối này có từ thời nhà Trần. Chuyện kể rằng đã từ lâu lắm, thời mà đất Nam Xang này còn ngập trong biển nước, hàng năm vua Trần đều cùng đoàn tùy tùng, xuôi thuyền từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) về hành cung Thiên Trường (tức Phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định ngày nay) yết kiến Thái Thượng Hoàng.
Một lần trên đường đi đến ngã 3 Tuần Vương, đoàn thuyền dừng lại, dân các làng đổ ra mừng đón, ai cũng mang của ngon, vật lạ dâng tiến Vua. Có một đôi vợ chồng nông dân nghèo ở làng Đại Hoàng vì không có vật gì dâng tiến Vua nên rất lấy làm buồn
Xem thêm:
- Gợi ý giỏ quà Tết 400k cho dịp sum vầy đầu năm mới
- Bí kíp chọn quà Tết cho bố mẹ vợ giúp ghi điểm tuyệt đối
Trong vườn nhà còn một buồng chuối họ bèn chặt hạ dâng Vua với niềm cung kính mong được nhà vua cảm thông. Nhà Vua ăn thấy rất thơm ngon bèn ban thưởng và quyết lựa chọn loại quả này làm món tráng miệng hằng ngày đồng thời cũng truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để khắp nơi được cùng thưởng thức, để khiến vùng đất này bốn mùa hoa quả thơm ngọt. Từ đó, loại chuối ở làng Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự và lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Những điểm hấp dẫn mê người của chuối Ngự làng Đại Hoàng
Chuối Ngự “chuẩn” có nguồn gốc từ làng Đại Hoàng được nhiều người biết đến bởi đây là giống chuối ngon xếp đầu bảng trong hơn 30 giống chuối ở Việt Nam, đồng thời cũng lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam.
Chuối Ngự quả chỉ bằng ngón tay cái, vỏ mỏng tang, nuột nà, ruột vàng ươm, ăn vào ngọt dịu, thơm nức mũi. Đặc biệt chuối Ngự không bao giờ bị nẫu. Chuối chín rất ngon, dù để hàng tuần chuối vẫn giữ được độ ngọt, độ thơm nguyên thủy. Chuối Ngự nơi khác ăn thì không được dẻo, thơm ngon như chuối Ngự Đại Hoàng.
Chuối Ngự Đại Hoàng không có lõi, ruột dẻo, thơm ngon và đay cũng chính là đặc điểm nổi bật mà chỉ những trái chuối bước ra từ làng Đại Hoàng mới có, là cái nét tinh tế, thú vị của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Chuối Ngự Đại Hoàng có hai loại là chuối Ngự trâu và chuối Ngự mít. Chuối Ngự mít ăn ngon hơn, ruột vàng như múi mít, vỏ lốm đốm những chấm nâu hồng khi đã chín nên nó còn thường được gọi là chuối Ngự tía. Quả chuối Ngự tía chỉ to hơn ngón tay cái người lớn một chút, bé bằng một nửa quả chuối Ngự trâu.
Chuối Ngự mít cuống nhỏ, núm nhỏ, vỏ mỏng như giấy, óng như lụa, bóc ra là tới ruột ngay, không có lớp màng như các loại chuối khác, và có hương thơm đặc biệt, ai ăn cũng phải tấm tắc khen vị thanh ngọt, đậm đà.
Chuối Ngự Đại Hoàng không chỉ hấp dẫn người dân và khách thập phương bởi hình dáng nhỏ nhắn đáng yêu, bởi hương vị ngọt ngào thấm đượm mà còn bởi những giá trị dinh dưỡng lớn lao ẩn chứa trong trái chuối bé xinh. Loại chuối này có công dụng rất tốt cho sức khỏe vì trong chuối rất giàu Vitamin, Kali và các khoáng chất thiết yếu khác.
Nghệ thuật trồng chuối của những nghệ nhân làng Đại Hoàng
Chuối Ngự có thể trồng được ở nhiều nơi, nhưng ở Việt Nam duy nhất chỉ có miền quê này mới có điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi để trồng ra được loại chuối Ngự ngon nhất.
Người xưa thường nói “Chuối ngon do đất” quả không sai. Chuối Ngự chỉ trồng trên đất cát pha. Nơi trồng chuối tốt nhất là nền đất ải, quanh bờ ao. Và đặc biệt chất lượng đất thì không có một nơi nào ở Việt Nam mà có được vi lượng chất đất tốt tốt như ở Đại Hoàng. Ở đây thổ nhưỡng, khí hậu, gió mùa rất tốt, phù hợp cho cây chuối phát triển.
Theo chia sẻ của những người dân làng Đại Hoàng, đất trồng chuối phải được chuẩn bị thật kỹ. Các hốc cây đặt cách nhau khoảng hai mét, ủ tro trấu, phân chuồng hoai mục xuống hốc. Chọn cây chuối giống cao khoảng 40 đến 50cm, không bị sâu bệnh. Sau khi đặt bầu chuối vào hốc, lấy đất bùn phủ quanh gốc.
Là một người trồng chuối lâu năm, một cao niên ở làng chia sẻ: “Mỗi một bụi chuối không để quá 3 mầm, tức là có 1 cây mẹ và 2 cây con chuẩn bị cho thế hệ sau, cứ thế gối nhau hết bụi này lại trồng bụi khác. Chuối thu hoạch quanh năm, khoảng 3 tháng thì thu hoạch một lần, cứ thế gối nhau quanh năm. Mỗi một cây một năm cắt được một buồng. Cây chuối cao trung bình 4m, 1 buồng chuối đạt chuẩn là có từ 7 đến 8 nải.”
Chỉ có đất tốt thôi là chưa đủ, muốn cây chuối phát triển tốt nhất còn cần phụ thuộc vào thời tiết. Theo kinh nghiệm của người địa phương, trồng chuối thời tiết phải thuận thì cây chuối ngự phát triển tốt, mưa nắng phải thuận hòa, nếu mưa nhiều, nắng nhiều thì chuối bị ảnh hưởng. Chuối Ngự thân cao, yếu, giòn, dễ gãy đổ nên khi chuối trổ buồng cần có cột chống. Vườn trồng chuối thường thiết kế theo hướng Đông – Tây.
Ngoài ra, để trồng được những cây chuối ra quả thơm ngon còn cần đến sự khéo léo và khổ nhọc của người dân nơi đây. Thời gian trồng chuối ngự hợp nhất khoảng từ giữa đến cuối mùa xuân, sau một năm là có quả. Thời gian đầu phải thường xuyên giữ độ ẩm cho cây, sau một tháng khi cây bén rễ mới tưới phân. Ngày trước chỉ có phân bắc, phân chuồng, bây giờ có thêm phân vi sinh, phân lân trộn với bùn ao để bón.
Các “nghệ nhân” trồng chuối nhìn tàu lá mà biết cần tăng giảm lượng phân cho phù hợp, dường như ngày nào cũng phải để mắt đến từng cây chuối, có bẹ già là bóc đi ngay, chớm có sâu phải tìm cách diệt trừ. Khi chuối đang thì con gái phải đóng cọc tre bên cạnh để chống giữ vì nếu khi mang buồng mới trồng cột đỡ thì cây sẽ bị “chột”. Khi chuối Ngự trổ buồng phải lấy những tấm áo cũ mà trùm lên nó để tránh cho khỏi sương sa nắng gắt.
Thường các thứ hoa quả chín cây là ngon nhất, riêng chuối Ngự thì không thế. Người trồng chuối sẽ phải đong đếm từng ngày để hái chuối. Bởi lẽ khi chuối trổ buồng được 45 ngày, da quả chuối có hiện tượng lấm tấm phải hạ xuống ngay để rấm, nếu để quá trên cây sẽ bị nứt vỏ, chín không đều mà lại kém hương.
Để có được quả chuối chín vừa, thơm và ngọt nhất thì không chỉ cần đến cách trồng, phương pháp chăm sóc mà công đoạn rấm chuối cũng rất quan trọng. Đây là công đoạn cuối cùng trong quá trình làm ra một tác phẩm nghệ thuật của những nghệ nhân làng Đại Hoàng.
Việc rấm chuối ngự là cả một nghệ thuật rất công phu. Lò rấm chuối phải vuông, vách bằng đất hoặc xây gạch vừa đủ tầm treo chuối. Mỗi lò chỉ để khoảng mươi buồng. Nếu để lò to quá, nhiệt không tập trung chuối lâu chín. Chuối đưa vào rấm phải được bao bằng lá chuối xung quanh, đốt trấu vùi tro, không được để khói, nếu oi khói là hỏng chuối. Để qua một đêm là lấy chuối ra ngay. Để lâu chuối sẽ nẫu, ăn chua và nhũn, mất đi vị ngon quý giá mà đất trời ban tặng.
Chuối Ngự Đại Hoàng – món quà chân quê quý giá
Vì có màu sắc và hình dáng rất đẹp, chất lượng cao nên chuối ngự Đại Hoàng ngày nay còn được dùng làm quà biếu. Nhất là vào những dịp đầu xuân năm mới, có một nải chuối ngự thơm lừng, vàng ươm hấp dẫn đặt trên bàn thờ tổ tiên thì còn gì bằng?
Cũng chính vì nhu cầu chung như vậy nên chuối ngự những ngày cận Tết trở thành món hàng vô cùng khan hiếm, được người dân “săn lùng” nhiều nơi và sẵn sàng bỏ ra chi phí đắt đỏ để sở hữu chúng.